Mường Lống là xã miền núi cao của huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ TP Vinh lên với Mường Lống với quãng đường khoảng 250km.
Mường Lống nằm trong thung lũng trên đỉnh núi thuộc dãy Trường Sơn có độ cao gần 1.500m so với mực nước biển gần biên giới Việt - Lào, dân số ở đây hơn 4.800 người với diện tích đất toàn xã là 142,30km2.
Mường Lống (Nghệ An) được ví như “Sapa của xứ Nghệ”, là điểm đến hấp dẫn cho bạn có trái tim ưa xê dịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mây trời và khám phá văn hóa đặc sắc của vùng cao.
Từ thị trấn Mường Xén, bạn đi ngược theo tuyến đường Tây Nghệ An khoảng 60 km là đến “Sapa của xứ Nghệ” ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Mường Lống là cổng trời, với những đám mây trắng bồng bềnh trên núi, mây vờn vào tóc làm tôi vỡ òa trong cảm xúc, và cả những loài hoa dại không tên mọc bên đường hòa lẫn vào cái se lạnh của đất trời tạo nên vẻ đẹp nên thơ, không gian mơ màng cho vùng núi cao hùng vĩ.
Mường Lống là địa điểm phượt còn khá mới mẻ, nhưng khi tới đây bạn sẽ yêu những người dân hiền lành, thân thiện và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Địa hình vùng núi cao ở đây đa dạng, là địa điểm khá lý tưởng cho nhiều bạn muốn tham quan, dã ngoại ngoài trời như leo núi, cắm trại hay trekking vào các bản làng.
Thời tiết ở đây mát mẻ quanh năm, nhiệt độ không vượt qua 25 độ C. Ban đêm, trời hơi se lạnh và nắng ấp ám trải xuống vùng cao vào ban ngày. Sáng thức dậy giữa thiên nhiên Mường Lống, cảm nhận hương vị của đất trời, nhịp sống bình yên không vội vã đem lại an yên trong tâm hồn.
Du khách có dịp về với biên cương Kỳ Sơn, xứ Nghệ sẽ được tận mắt chứng kiến thiên nhiên hữu tình và những giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều đồng bào dân tộc. Bên cạnh vẻ đẹp của Mường Lống, vùng đất này có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, đỉnh Pu Xai Lai Leng được xem là “nóc nhà” của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
100% người dân bản địa là đồng bào Mông, định cư ở 15 bản với hơn 600 hộ dân, chỉ có một số rất ít người Kinh sinh sống ở bản trung tâm. Điều đặc biệt, Mường Lống được mệnh danh là "Sapa của xứ Nghệ" bởi khí hậu luôn mát mẻ quanh năm, cùng với sự huyền bí của núi rừng, mây trời, văn hóa của người dân nơi đây.
Như tác giả Võ Duẩn đã ví, Mường Lống đẹp nhất khi bình minh lên: "Hoa đào e ấp giọt sương mai/ Mây vờn đỉnh núi chốn bồng lai".
Để chiêm ngưỡng được vẻ đẹp huyền bí của Mường Lống bạn hãy thức dậy thật sớm để ngắm những đám mây trắng bồng bềnh đang vờn trên núi; những giọt sương mai còn đọng lại trên cánh hoa đào, hoa mận và cả những bông hoa dã quỳ vàng rực rỡ, thơ mộng.
Thêm vào đó có rừng hoa dẻ nở trắng xóa kèm mùi thơm dịu dàng, còn có con đường hoa trạng nguyên đỏ rực chói lóa mọc bên đường hòa lẫn vào cái se lạnh của đất trời tạo nên vẻ đẹp nên thơ, không gian mơ màng cho vùng núi cao hùng vĩ.
Khi đến Mường Lống vào dịp đầu năm, bạn sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội tưng bừng, nhộn nhịp của tiếng chiêng, tiếng khèn và thưởng thức những món ăn đặc sản như gà đen, lợn đen quay cùng chén rượu ngô cay nồng thắm đượm tình hiếu khách của đồng bào dân tộc Miền Tây xứ Nghệ.
Tên gọi "Mường Lống" vốn ban đầu hiểu theo tiếng Thái là "Lống Tang", có nghĩa là "lạc đường", do xưa nơi đây nhiều rừng nên người dân dễ bị lạc.
Xã Mường Lống trước thuộc huyện Tương Dương. Năm 1966, sau khi thành lập huyện Kỳ Sơn từ một phần diện tích và dân số của huyện Tương Dương, xã Mường Lống thuộc huyện Kỳ Sơn. Năm 1977, xã Mường Lống sáp nhập thêm xã Mường Thù và vẫn giữ tên Mường Lống.
Dưới đây là một số hình ảnh Mường Lống đẹp đến nao lòng được PV ghi lại: